CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN SỬ DỤNG ĐIỆN TRONG PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ

Ngày đăng: 29.09.2017 / Lượt xem: 9733

Chập điện là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hoàn loạt các vụ cháy nổ trên khắp cả nước trong vài năm trở lại đây. Vậy chúng ta phải làm gì để trở thành người biết cách sử dụng điện tiết kiệm, an toàn???

        Hiện nay, Yêu cầu an toàn trong sử dụng điện và an toàn phòng cháy chữa cháy điện vẫn đang là vấn đề cần quan tâm. Trong đó vấn đề đáng lưu ý là nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ khi sử dụng điện tại các hộ gia đình. Theo thống kê hàng năm, số vụ cháy, nổ xảy ra tại các hộ gia đình chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng điện. Hầu hết các hộ gia đình sử dụng nhiều các thiết bị tiêu thụ điện có công suất tiêu thụ lớn như: Máy điều hòa nhiệt độ, Bình nóng lạnh, các loại bếp điện..., mà quên rằng trước đây khi lắp đặt hệ thống điện không được tính đến, hơn nữa ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) và kiến thức an toàn PCCC trong sử dụng điện của đa số người dân còn rất lơ là, thiếu hiểu biết. Vì vậy các vụ cháy, nổ do sử dụng điện trong gia đình ngày càng gia tăng; Điển hình như các vụ cháy, nổ xảy trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố: Vụ cháy quán Cà phê Khúc Ban Trưa trên đường Huỳnh Thúc Kháng quận Hải Châu do đường dây điện đã qua thời gian sử dụng lại không kiểm tra thường xuyên và bố trí gần các chất cháy nên khi có sự cố chập điện xảy ra ngọn lửa sẽ nhanh chóng bùng phát; Vụ cháy nhà dân tại số 677 Tôn Đức Thắng, cơ sở sản xuất hương Phát Lộc Thành quận Liên Chiểu; Vụ cháy nhà dân tại số 351, số 458 Trần Cao Vân quận Thanh Khê do việc sử dụng điện bất cẩn gây ra sự cố chập điện gây cháy gần đây và đã có hàng chục vụ cháy do chập điện các hộp đèn, biển quảng cáo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua.

          Đặc biệt trong các ngày lễ tết và mùa nắng nóng các thiết bị có công suất lớn lại hay được dùng đến như: Bếp điện, Bàn là, quạt, ... Là những thiết bị có bộ phận đốt nóng làm từ kim loại có điện trở cao và khó nóng chảy như Crôm, Vônfram... Nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ những thiết bị này thường là dây dẫn, thiết bị bảo vệ không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, do sử dụng ở điều kiện không đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC, khi sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn cùng một lúc sẽ dẫn đến quá tải gây cháy. Do trong quá trình sử dụng, khi ra khỏi nhà không tắt các thiết bị tiêu thụ điện hoặc do sử dụng không đúng quy trình kỹ thuật, không bảo trì, bảo dưỡng thiết bị làm chạm chập gây cháy dẫn tới cháy lan, cháy lớn v.v...Trong việc sử dụng thiết bị chiếu sáng có sử dụng rất nhiều loại bóng đèn nhưng phát sinh cháy thường do loại bóng đèn tròn (bóng đèn dây tóc), đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ của các đèn điện dây tóc là khi đèn sáng, chỉ có 2% - 4% điện năng tiêu thụ chuyển hóa thành quang năng cảm thụ mắt thường, phần còn lại biến thành nhiệt năng đốt nóng bóng đèn và các phần tử khác của hệ thống chiếu sáng tới nhiệt độ cao. Vì vậy nguồn nhiệt mà nó tạo ra có thể làm bắt cháy các chất cháy như: giấy, bông, vải... khi để gần những chất này.

         Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện gây ra nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho mọi người góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong những ngày đầu mùa nắng nóng, đề nghị cần thực hiện một số biện pháp sau:


      1/ Kiểm tra lắp đặt Áptômát hoặc cầu dao điện tổng cho đường dây điện chính trong nhà và cho từng đường dây điện phụ, từng gian phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Phải đặt thiết bị bảo vệ trước từng ổ cắm điện, dây chảy của cầu chì phải theo đúng tiêu chuẩn và phải phù hợp với công suất sử dụng, đảm bảo khi có chạm, chập điện thì dây chảy phải nổ, cắt ngay nguồn điện. Không dùng giấy bạc hoặc dây kim loại khác không phù hợp để thay thế dây chảy cầu chì, cầu dao, Áptômát bị hỏng. Trang bị máy ổn áp để tránh hiện tượng gây cháy nổ do quá dòng, quá áp.

                                                                      

      2/ Ngay từ ban đầu khi thiết kế lắp đặt phải tính toán và lựa chọn tiết diện của dây dẫn sao cho có đủ khả năng tải dòng điện đến các thiết bị tiêu thụ điện mà nó cung cấp. Điểm nối vào mạch rẽ ở hai đầu dây nóng và nguội không được trùng lên nhau, khi thấy nơi quấn băng của các điểm nối dây bị khô và cháy sáng thì phải kiểm tra ngay và nối chặt lại điểm nối. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ thì nơi gỉ là nơi phát nhiệt lớn và dễ phát lửa khi bị quá tải, cần được thay mới.

     3/ Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh,...trên các dây điện và bảng điện... Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện vì chỗ tiếp xúc sẽ bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.

     4/ Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà...quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Bàn là, Lò sưởi, Bếp điện... phải đặt trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

     5/ Để hạn chế nguy cơ gây cháy khi sử dụng các thiết bị như bàn ủi, bếp điện, các thiết bị gia nhiệt bằng điện trở phải có người trông coi hoặc các thiết bị phải được lắp hệ thống báo. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị bệnh tâm thần... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

                                           

     6/ Lắp đặt các thiết bị chiếu sáng phải gắn vào các móc treo chuyên dùng, không treo trực tiếp bằng dây dẫn và không dùng vật liệu cháy được như giấy, vải, nilon... để bao che bóng điện. Không đặt các chất gây cháy (ga, xăng, dầu, giấy...) gần các thiết bị, dụng cụ điện như: đèn, bàn là, bếp điện, ổ cắm điện, bảng điện, chấn lưu đèn huỳnh quang v.v... Không lắp đặt ổ cắm điện trong nhà vệ sinh, nhà tắm.

                                                                         

    7/ Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (Công tắc, Ổ cắm, Hộp đấu dây, Mối nối trên đường dây) nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy... Khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.

     8/ Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt...cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

                                                                                                   

     9/ Khi xảy ra cháy do sử dụng điện phải nhanh chóng cắt cầu dao điện tổng, báo cho mọi người xung quanh biết, báo Cảnh sát PCCC và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ dập lửa. Cấm dùng nước dập lửa khi chưa cắt điện. Mỗi hộ dân nên trang bị 1 đến 2 bình chữa cháy xách tay bằng khí (CO2,N2...), chữa cháy điện khi mới phát sinh.

                                              

                                      

Chia sẻ:

Copyright © 2015 * CÔNG TY CỔ PHẦN SQ VIỆT NAM